Lời khuyên cho bệnh nhân tiểu đường đang mắc bệnh về nướu

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường và cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường huyết, sức khỏe nướu răng của bạn có thể là một phần nguyên nhân. Bệnh về nướu nghiêm trọng như “bệnh nha chu” hay “viêm nướu nha chu” - là sự nhiễm trùng các mô và xương quanh răng. Vùng nướu răng (lợi) dây chằng bám dính và nâng đỡ cấu trúc xương, bị tổn thương do tích tụ mảng bám, dẫn đến các triệu chứng sau đây:

  • Chảy máu nướu, sưng nướu
  • Hôi miệng
  • Tụt nướu
  • Tiêu xương răng
  • Răng lung lay
  • Mất răng

Viêm nha chu bắt đầu từ viêm nướu, đó là tình trạng viêm và tấy đỏ dọc theo đường viền chân răng gây ra bởi sự tích tụ của mảng bám răng. Thông thường, màng bao sinh học có thể được loại bỏ bằng cách đánh răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng hàng ngày. Nhưng nếu vệ sinh răng miệng không thường xuyên hoặc không hiệu quả - hoặc sức khỏe đang có vấn đề - viêm nướu có thể  tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng hơn của bệnh về nướu và cuối cùng dẫn đến mất răng. Viêm nướu thường hồi phục nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Tuy nhiên, bệnh về nướu nghiêm trọng (bệnh viêm nha chu) cần được điều trị chuyên khoa.

Mặc dù hầu hết bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh về nướu cao hơn, nhưng tin tốt là những bệnh nhân kiểm soát được bệnh viêm nha chu có thể thấy sự cải thiện trong việc điều chỉnh lượng đường huyết.2 Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ coi tác dụng này có hiệu quả tương đương với “hiệu quả của việc thêm một loại thuốc khác vào liệu trình điều trị tiểu đường thông thường”.2 Bởi vì mọi người đều hiểu, phòng bệnh hơn chữa bệnh, cải thiện vệ sinh răng miệng của chính mình là một biện pháp thay thế cho việc tăng lượng thuốc kê toa được dùng cho bệnh tiểu đường.

Các vấn đề và biến chứng của bệnh viêm nha chu và tiểu đường

 

Bệnh tiểu đường và bệnh nướu đi đôi với nhau. Khi một trong hai bệnh trở nặng hơn, bệnh còn lại có nhiều khả năng tương tự. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ giải thích rằng các bệnh nhiễm trùng răng miệng như viêm nha chu có thể làm tăng lượng đường huyết và gây khó khăn cho việc ổn định đường huyết chừng nào chưa được điều trị dứt điểm.3 Trên thực tế, những cá nhân không đáp ứng với các liệu pháp nha chu truyền thống nên được sàng lọc bệnh tiểu đường để loại trừ trường hợp do tiểu đường gây ra nhiễm trùng dai dẳng.4

Thật không may, bệnh nhân tiểu đường lại dễ mắc bệnh viêm nha chu và các bệnh nhiễm trùng khác, hậu quả của suy giảm hệ thống miễn dịch gây ra bởi bệnh tiểu đường. Khi người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt lượng đường huyết, họ có nguy cơ bị biến chứng nha chu cao hơn.5 Người mắc bệnh tiểu đường cũng có thể thấy sự gia tăng các vấn đề như bệnh tưa miệng (nhiễm nấm) và chứng khô miệng (xerostomia), dẫn đến nguy cơ sâu răng cao hơn.

Không hề bất ngờ khi biết rằng việc phòng ngừa bệnh về nướu và thói quen vệ sinh răng miệng hiệu quả có thể có tác động tích cực đến  lượng đường huyết.

Những thống kê về bệnh tiểu đường và bệnh về nướu

  • Bệnh nhân tiểu đường tuýp II mắc bệnh về nướu sẽ kiểm soát lượng đường huyết  lâu hơn2
  • Bệnh nha chu có thể làm tăng nguy cơ  mắc tiểu đường thai kỳ ở phụ nữ2
  • Hàm lượng đường cao làm tăng lượng vi khuẩn trong khoang miệng, và ngược lại1
  • Phẫu thuật và trị liệu nha chu có thể làm giảm đáng kể lượng HbA1c6
  • Bệnh nhân tiểu đường có thể thấy sự cải thiện lượng đường glucose trong ít nhất ba tháng sau khi điều trị nha chu7
  • Bệnh nhân bị tiểu đường nghiêm trọng có khả năng kiểm soát đường huyết kém hơn sáu lần.5

Tiểu đường tuýp nào góp phần gây nên bệnh về nướu?

Liệu có phải chỉ một tuýp bệnh tiểu đường nhất định có nguy cơ gây nên bệnh về nướu nhiều hơn? Câu trả lời là không; cả bệnh tiểu đường tuýp I và tuýp II đều có liên quan chặt chẽ với bệnh viêm nha chu.6  Việc bị mắc một trong hai tuýp tiểu đường không làm giảm nguy cơ mắc bệnh về nướu hơn, hay khó điều trị hơn so với tuýp còn lại. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường tuýp I có thể “biểu hiện phản ứng viêm cục bộ sớm hơn và nghiêm trọng hơn” so với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp II.4

Do tính bản chất gây viêm ở mức độ vi mô và vi mạch, bệnh tiểu đường và bệnh về nướu thường đan xen tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và phác đồ điều trị.6 Như vậy, phương pháp điều trị bệnh nướu cho cả bệnh tiểu đường tuýp I và tuýp II sẽ phản chiếu đáng kể cho nhau.

Do nguy cơ gây ra bệnh về nướu của tiểu đường - và ngược lại - bệnh nhân nên tìm kiếm một sự phối hợp điều trị giữa bác sĩ điều trị và nha sĩ để có cách tiếp cận toàn diện hơn trong quản lý bệnh.

Bạn bị tiểu đường? Hãy thực hiện các bước sau để giúp điều trị bệnh về nướu

Bệnh về nướu dễ dàng được kiểm soát và hồi phục nhất khi được chẩn đoán ngay trong giai đoạn đầu của viêm nướu. Vì vậy, việc kiểm tra sớm với nha sĩ là rất cần thiết để ngăn ngừa các dạng nhẹ của bệnh nướu tiến triển thành nhiễm trùng nha chu nghiêm trọng.

  • Lên lịch kiểm tra và làm sạch răng miệng với nha sĩ và nha tá tối thiểu sáu tháng một lần.
  • Chọn bàn chải đánh răng có lông mềm/siêu mềm để làm sạch và mát xa nướu hai lần mỗi ngày.
  • Sử dụng chỉ nha khoa truyền thống hoặc máy tăm nước hàng ngày để làm sạch giữa kẽ răng và ngay dưới đường viền nướu, nơi mảng bám răng phát triển mạnh.
  • Sử dụng nước súc miệng chống khuẩn hàng ngày như một phần chế độ vệ sinh răng miệng hàng ngày của bạn
  • Lên lịch làm sạch sâu và thăm khám định kỳ để quản lý mức độ vi khuẩn ở những vùng khó tiếp cận trong miệng.
  • Thông báo cho nha sĩ về bất kỳ triệu chứng chảy máu hoặc sưng mà bạn nhận thấy trong khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
  • Làm việc với bác sĩ của bạn để duy trì kiểm soát bệnh tiểu đường tốt, giúp nỗ lực vệ sinh răng miệng của bạn hiệu quả hơn.

Nếu bạn là một bệnh nhân tiểu đường, hãy yêu cầu khám nha chu mỗi lần lên lịch kiểm tra răng miệng. Những đánh giá kỹ lưỡng này giúp xác định các khu vực bị bệnh về nướu, cho phép bạn và nha sĩ cùng hợp tác tốt đẹp vì một nụ cười và lối sống lành mạnh hơn.

Tài liệu tham khảo

1. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Disorders. Diabetes, Gum Disease, & Other Dental Problems (Bệnh tiểu đường, bệnh về nướu & các vấn đề nha khoa khác). Tháng 9 năm 2014. Truy cập trực tuyến vào tháng 1 năm 2019 tại https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventin....

2. Journal of the American Dental Association; For the dental patient…gum disease can raise your blood sugar level (Đối với bệnh nhân nha khoa…bệnh về nướu có thể làm tăng lượng đường huyếtcủa bạn). Tháng 7 năm 2013. 144 (7). Truy cập trực tuyến vào tháng 1 năm 2019 tại https://www.ada.org/~/media/ADA/Publications/Files/FTDP_July2013_2.pdf?la=en.

3. American Diabetes Association; Diabetes and Oral Health Problems (Bệnh tiểu đường và Vấn đề sức khỏe răng miệng). Tháng 9 năm 2012. Truy cập trực tuyến vào tháng 1 năm 2019 tại http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-and-care/oral-health-and-hygiene/diabetes-and-oral-health.html.

4. Perrson, GR; Diabetes and periodontal disease: an update for healthcare providers. Diabetes Spectrum (Bệnh tiểu đường và bệnh viêm nha chu: bản cập nhật cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phác đồ tiểu đường). Tháng 11 năm 2012; 24(4):195-198. Truy cập trực tuyến vào tháng 1 năm 2019 tại http://spectrum.diabetesjournals.org/content/24/4/195.

5. American Academy of Periodontology; Diabetes and Periodontal Disease (Bệnh tiểu đường và bệnh viêm nha chu). Truy cập trực tuyến vào tháng 1 năm 2019 tại https://www.perio.org/consumer/gum-disease-and-diabetes.htm.

6.Preshaw, PM; et. al.; Periodontitis and diabetes: a two-way relationship (Viêm nha chu và tiểu đường: mối quan hệ hai chiều). Diabetologia; Tháng 1 năm 2012; 55(1): 21-31.

7. Benrachadi, L.; Mohamed Saleh, Z.; Bouziane, A.; The impact of periodontal therapy on the diabetes control: a systemic review (Tác động của trị liệu nha chu đối với việc kiểm soát bệnh tiểu đường: tổng quan hệ thống). Presse Med. Tháng 1 năm 2019.

8. Badiger, AB, et. al.; Bilateral interrelationship of diabetes and periodontium (Mối quan hệ song phương của bệnh tiểu đường và nha chu). Curr Diabetes Rev.; Tháng 1 năm 2019.