Bệnh tiểu đường và răng miệng của bạn: Mối bận tâm về răng miệng mà mọi bệnh nhân tiểu đường nên biết

Sống với bệnh tiểu đường đồng nghĩa với việc bạn phải quan tâm đến việc chăm sóc răng và nướu hơn. Vậy làm sao mà sự mất cân bằng lượng đường huyết gây ảnh hưởng đến cấu trúc răng của bạn, lại có thể để lại tác động lâu dài đến nụ cười của bạn sau này.

Bệnh tiểu đường có thể là nguyên nhân hay là tác nhân gây tăng nguy cơ sâu răng?

Không hề ngạc nhiên khi có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường với sự gia tăng nguy cơ sâu răng, vì cả hai bệnh lý này đều có liên quan mật thiết đến lượng đường glucose trong cơ thể. Những nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng, lượng đường huyết cao tương quan trực tiếp đến tỷ lệ sâu răng cao.1 Một phần nguyên nhân là do sự tiết nước bọt giảm - hậu quả của chuyển hóa kém mà bệnh nhân tiểu đường gặp phải. Điều đó gây nên sự phát triển quá mức của vi khuẩn và axit làm mòn men răng, gây ra sự khử khoáng của men răng và cuối cùng là tổn thương vào tận cấu trúc răng, mà hầu hết mọi người gọi là sâu răng – “cavity”, nhưng các nha sĩ cũng có thể gọi là sâu răng – “caries”.

Bệnh tiểu đường có dẫn đến rụng răng không?

Thật không may, vấn đề nhiễm trùng khoang miệng như bệnh nha chu  cao hơn đáng kể ở những người mắc bệnh tiểu đường.2 Tình trạng này dẫn đến sự hư các mô mềm và mô cứng nâng đỡ răng. Dần dần, vùng bị viêm trở nên đáng ngại khi răng bị lung lay, đau và tổn thương khi ăn. Các giai đoạn xâm lấn của bệnh cuối cùng sẽ dẫn đến việc phần răng bị viêm rụng ra hoặc cần phải nhổ răng để ngăn chặn sự lây lan nhiễm trùng.

Và may thay, các phương pháp điều trị nha chu như cạo vôi răng và làm láng mặt gốc răng “có hiệu quả cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.3 Bằng cách giải quyết cả nhiễm trùng miệng và lượng đường huyết cùng một lúc, bệnh nhân tiểu đường có thể hy vọng một kết quả khả quan cả với điều trị nha khoa cũng như tình trạng đường huyết hàng ngày của họ.

Khó lành vết thương sau nhổ răng

Nói chung, bệnh nhân tiểu đường có thể trải qua vấn đề lâu lành vết thương, làm cho tình trạng viêm nhiễm miệng và các vết thương khó phục hồi.3 Điều này bao gồm cả các thủ thuật ví dụ như việc nhổ răng.

Nếu bạn dự định nhổ răng theo lịch trình - chẳng hạn như nhổ răng khôn - hoặc nhổ răng để cấy ghép răng giả, thì việc dành nhiều thời gian hơn so với khung thời gian thông thường để phục hồi sau phẫu thuật miệng là rất quan trọng. Hãy khám nha khoa đều đặn để có thể đảm bảo rằng mọi việc đều tiến triển bình thường và không xuất hiện dấu hiệu  nhiễm trùng hay viêm nhiễm.

Trừ khi mức đường huyết ổn định, tốt nhất là bạn nên tránh nhổ răng không cần thiết, trừ trường hợp nha sĩ của bạn đã tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về vấn đề này.

Bệnh tiểu đường có dẫn đến nhiễm trùng răng?

Mặc dù bản thân bệnh tiểu đường không phải là nguyên nhân gây nhiễm trùng răng, nhưng căn bệnh mãn tính này tạo điều kiện cho sự khởi phát nhanh hơn đối với các vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến. Ví dụ, một nghiên cứu trên trẻ em cho thấy những trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp I có lượng nước bọt thấp hơn và tình trạng sâu răng cao hơn đáng kể so với trẻ không mắc bệnh tiểu đường.4 Các nghiên cứu tương tự cho thấy tỷ lệ sâu răng ảnh hưởng đến răng trưởng thành (răng vĩnh viễn) ở trẻ em thường xuyên hơn, và tỷ lệ này thấp hơn ở răng sữa của trẻ.

Ở điều kiện phù hợp, trẻ mắc bệnh tiểu đường tiếp xúc với cùng loại thực phẩm và vi khuẩn tự nhiên sẽ phản ứng khác nhau, tùy thuộc cách cơ thể trẻ chuyển hóa sự mất cân bằng đường glucose.

Tương tự, răng bị áp xe được cho là tác dụng phụ của bệnh tiểu đường ở những người có sức khỏe răng miệng kém. Mặc dù nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng cho vấn đề này. Bị bệnh tiểu đường có thể khiến một người bị nhiễm trùng nội nha, nhưng vẫn chưa rõ mối liên quan này có phải chỉ đơn giản là trùng hợp hay không. Có thể là do những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ sâu răng cao hơn, nên khả năng họ bị nhiễm trùng nội nha ảnh hưởng đến tận tủy răng cũng vì thế mà cao hơn hẳn.

Tùy thuộc vào cách nhìn nhận, có thể nói là Đúng, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiễm trùng răng. Bất cứ ai mắc bệnh tiểu đường nên tuân thủ bài bản việc giải quyết cụ thể các vấn đề như chứng khô miệng (xerostomia) và khử khoáng men răng trước khi sâu răng hoạt động hoặc sâu răng lây lan sang các răng lân cận.

Đau răng: Có phải do bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường có dẫn đến đau răng không? Mặc dù sự hiện diện của bệnh tiểu đường không nhất định là nguyên nhân của cơn đau răng, nhưng nó có thể là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của tình trạng nha khoa (và gây đau đớn). Một nghiên cứu cho thấy 78% bệnh nhân tiểu đường “báo cáo về tình trạng suy giảm chất lượng cuộc sống [và] khó chịu do đau đớn gây ra.” 6 Bởi vì các vấn đề về răng miệng như  sâu răng và bệnh về nướu - thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường - dẫn đến răng ê buốt, đau và khó chịu, nên có thể nói rằng bệnh tiểu đường là một yếu tố quan trọng gây ra tình trạng này.

Nha sĩ sẽ điều trị đau răng giống như với bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường: thông qua trị liệu, thuốc bổ và có thể là cả việc dùng thuốc tây.

Răng ố vàng và tiểu đường

Một số bệnh nhân tiểu đường có thể nhận thấy các cặn trắng hoặc xám trên răng của họ, gây ra sự đổi màu hoặc tích tụ vết ố ở mức độ nặng.7 Nếu những vùng bị đổi màu trở nên rõ ràng, việc trị liệu răng hoặc nướu có thể là cần thiết.

May mắn thay, hầu hết các thể loại ố răng không liên quan đến bệnh tiểu đường, mà do các yếu tố như thực phẩm và đồ uống chúng ta tiêu thụ - chẳng hạn như cà phê, trà hoặc rượu vang đỏ - sử dụng thuốc lá và một số loại thuốc kháng sinh.

Với việc vệ sinh răng miệng tốt và làm sạch phòng ngừa định kỳ, người mắc bệnh tiểu đường có thể giữ men răng sáng như bất cứ ai. Sử dụng nước súc miệng dịu nhẹ với tác dụng làm trắng là cách an toàn và hiệu quả cho mọi người, dù mắc bệnh tiểu đường hay không, để mang lại màu sắc tự nhiên cho nụ cười của họ.

Phải làm gì nếu bạn bị đau răng (và tiểu đường)

Bất cứ ai bị đau răng cũng đều nên gặp nha sĩ ngay trong ngày, hoặc sớm nhất có thể. Trong một số ít trường hợp, đau răng có thể dẫn đến sự lây lan nhiễm trùng, cần phải nhập viện. Và không may là đau răng sẽ không thể tự lành.

Cho đến khi bạn gặp nha sĩ, hãy cân nhắc dùng thuốc giảm đau không kê đơn (nhưng đã được bác sĩ đồng ý). Bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường thường được hướng dẫn sử dụng ibuprofen, nhưng vì thuốc này có thể chống chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường, nên tốt nhất là hãy hỏi bác sĩ.

Khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế cho các biến chứng về răng miệng/tiểu đường

Bệnh tiểu đường và các vấn đề sức khỏe răng miệng thường đi đôi với nhau.8 Do vậy, bệnh nhân tiểu đường nên đi khám bác sĩ và nha sĩ thường xuyên, thông báo bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề nào họ thấy hiện diện trước tiên.

May mắn thay, ngày nay, các chiến lược chăm sóc sức khỏe răng miệng dự phòng định kỳ đã giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng - bao gồm cả những người mắc bệnh tiểu đường. Hãy trao đổi với nha sĩ của bạn về một kế hoạch chăm sóc tại nhà phù hợp và các sản phẩm bổ sung có thể làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng răng miệng phổ biến của bệnh tiểu đường.

Tài liệu tham khảo.

1. Latti, B., et. al.; Evaluation of relationship between dental caries, diabetes mellitus and oral microbiota in diabetics (Đánh giá mối quan hệ giữa sâu răng, tiểu đường và hệ vi sinh vật vùng miệng ở bệnh nhân tiểu đường). J Oral Maxillofac Pathol. Tháng 5 – tháng 8 năm 2018; 22(2):282.

2. Preshaw, PM; et. al.; Periodontitis and diabetes: a two-way relationship (Viêm nha chu và tiểu đường: mối quan hệ hai chiều). Diabetologia; Tháng 1 năm 2012; 55 (1): 21-31.

3. Nazir, et. al.; The burden of diabetes, its oral complications and their prevention and management (Gánh nặng của bệnh tiểu đường, biến chứng răng miệng và cách phòng ngừa và quản lý). Open Access Maced J Med Sci. Tháng 8 năm 2018; 6(8):1545-1553.

4. Ferizi, L., et. Al.; the influence of type 1 diabetes mellitus on dental caries and salivary composition (ảnh hưởng của bệnh tiểu đường tuýp I đến sâu răng và thành phần nước bọt). Int J Dent. Tháng 10 năm 2018.

5. Babu, K., Subramaniam, P., Kaje, K.; Assessment of dental caries and gingival status among a group of type 1 diabetes mellitus and healthy children in South India - a comparative study (Đánh giá tình trạng sâu răng và tình trạng nướu giữa một nhóm trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp I và trẻ em khỏe mạnh ở Nam Ấn Độ - một nghiên cứu so sánh). J Pediatr Endocrine Metab.; Tháng 12 năm 2018; 31(12):1305-1310.

6. Barylo, O., Kanishyna T., Shkilniak, L.; The effects of diabetes mellitus on patients’ oral health (Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đối với sức khỏe răng miệng của bệnh nhân). Wiad Lek. 2018; 71(5):1026-1031.

7. Persson, G.; Diabetes and periodontal disease: an update for health care providers. Diabetes Spectrum. (Bệnh tiểu đường và bệnh viêm nha chu: bản cập nhật cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phác đồ tiểu đường.) Tháng 11 năm 2011; 24(4):195-198. Truy cập trực tuyến vào tháng 1 năm 2018 tại http://spectrum.diabetesjournals.org/content/24/4/195

8.  National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Disorders. Diabetes, Gum Disease, & Other Dental Problems (Bệnh tiểu đường, bệnh về nướu & các vấn đề nha khoa khác). Tháng 9 năm 2014. Truy cập trực tuyến vào tháng 1 năm 2019 tại https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventin....